Trường THCS Vạn Phúchttps://thcsvanphuc.pgdhadong.edu.vn/uploads/thcsvanphuc/logo-no_9c1a5193fba3afcbeae175d72b832ac2.png
Thứ ba - 05/05/2020 18:42
Bài phát động phong trào đọc Sách năm 2020 được tuyên truyền trên loa phát thanh ngày 05/5/2020.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh! Đại dịch Covid 19 đã làm đảo lộn toàn bộ đời sống xã hội. Việc giãn cách xã hội Chỉ thị số 16/CT-TTg (ngày 31/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ cùng lời kêu gọi “ở yên tại chỗ” cũng đã làm ảnh hưởng tới văn hóa đọc cũng như thói quen đọc sách.
Nếu như hàng năm, các Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21/04 và ngày Sách và bản quyền thế giới 23/04 được tổ chức quy mô, bài bản, thu hút rất nhiều bạn đọc tìm đến, thì năm nay, với tinh thần phòng chống dịch bệnh, việc triển khai lại chuyển sang hình thức TRỰC TUYẾN. Tuy là hình thức mới nhưng hội sách trực tuyến tại địa chỉ website http://book365.vn cũng vẫn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của sách và của thói quen đọc sách trong thời đại mới.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh! Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách”. Sách với vai trò như một nhu cầu thiết yếu của con người, có vai trò quan trọng không ai thể phủ nhận. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, văn hóa đọc cũng bị tác động và phải có những thay đổi sao cho phù hợp với thời đại cũng như nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Thực chất văn hóa đọc không hề thay đổi. Có chăng chỉ là ngoài phương thức đọc và tiếp cận truyền thống thống qua các vật lưu tin như giấy, báo thì còn có tài liệu số cùng “văn hóa đọc điện tử”. Dù là hiện đại hay xưa cũ thì mục đích cuối cùng cũng đều nhằm thỏa mãn nhu cầu đọc của mọi người và văn hóa đọc vẫn được sử dụng phổ biến hàng ngày cho mục đích tiếp cận và lĩnh hội tri thức của nhân loại.
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh! Đọc sách là một việc làm quan trọng đặc biệt trong trường học. Trong đó, những ảnh hưởng từ người giáo viên bên cạnh gia đình rất quan trọng trong việc hình thành văn hóa đọc của học sinh. Có tự đọc, tự học, tự nghiên cứu mới hình thành được thói quen và xây dựng một nền tảng tri thức vững chắc. Do đó, Bên cạnh việc truyền thụ và tiếp thu kiến thức, các thầy cô giáo cần hướng dẫn các kĩ năng để học sinh có thể tự đọc, tự trau dồi, tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ.
Để phong trào đọc sách trong trường THCS Vạn Phúc ngày càng phát triển, xây dựng thế hệ đọc sách tương lai, các thầy cô giáo cần quan tâm thực hiện tốt phong trào đọc sách, phát triển sâu rộng văn hóa đọc trong các lớp học của mình. Đặc biệt tìm kiếm và nêu gương các em học sinh có yêu sách, chăm đọc sách và có đóng góp tích cực trong phát triển phong trào đọc sách. Mỗi em học sinh cần phải có tinh thần ham mê học tập, tìm tòi, sáng tạo nâng cao trình độ thông qua sách báo góp phần xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong từng chi đội, từng lớp học.
Để hưởng ứng hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7, nhằm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; xây dựng văn hóa đọc trong cán bộ giáo viên, học sinh, cộng đồng và tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của nhà trường, giáo viên đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam, Trường THCS Vạn Phúc phát động phong trào đọc và làm theo sách bằng Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc C2 Vạn Phúc. Mọi thông tin chi tiết sẽ được chuyển về từng lớp học.
Cuối cùng, để kết thúc bài phát động phong trào đọc sách, tôi xin dẫn một câu nói của nhà văn C.Pau tốp xki: “Bạn hãy đọc sách đi! Và mong sao trong đời bạn sẽ không có ngày nào mà bạn không đọc được dù chỉ một trang sách mới!” Xin cám ơn!